Bị tai tiếng và được giải oan Đặng_Văn_Quang_(tướng)

Trong thời Chiến tranh Việt Nam có nhiều lời đồn đại rằng ông là người tham nhũng và buôn lậu bạch phiến. Các cáo buộc như thế cũng được nhà báo Mỹ Alfred W. McCoy kể trong tác phẩm của mình, "The Politics of Heroin in Southeast Asia". Sau này, báo chí Việt Nam cũng nêu danh ông là một người tham nhũng nhất Chính quyền miền Nam trước năm 1975.[19].

Sau khi di tản khỏi Việt Nam, ông được đưa vào trại tập trung người tỵ nạn ở Tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ. Vì lo sợ cho số mạng của mình trong trại nên ông rời trại này và sang Canada. Ở đây, ông lại bị Chính phủ Canada ra lệnh trục xuất ông với lý do dựa vào những lời đồn xấu về ông. Cả Hoa Kỳ và Canada cũng như các nước khác đều từ chối cho ông định cư, ngoại trừ Chính phủ Việt Nam chấp thuận nhận lại ông nhưng không bảo đảm với Chính phủ Canada rằng ông sẽ không bị xử tử nếu bị cưỡng bách hồi hương.[20]

Mãi cho đến năm 1988, cựu Trung tá lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ là Dan Marvin, từng phục vụ tại Quân đoàn mà tướng Quang làm Tư lệnh, biết được việc Chính phủ Hoa Kỳ không cho phép ông vào Mỹ nên đã vận động để trả lại công bằng và danh dự cho ông.

Trong "Drugs, Corruption, and Justice in Vietnam and Afghanistan... A Cautionary Tale", được đăng trên Hệ thống Tin tức Lịch sử của Đại học George Mason, Merle L. Pribbenow cho rằng:

"Trong cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, những tin đồn bắt đầu lan nhanh tại Sài Gòn cho rằng tướng Quang là một trong những kẽ buôn lậu bạch phiến hàng đầu tại Nam Việt Nam; rằng ông là một nhân viên có trả lương của CIA; và rằng ông là người thu nhận tiền tham nhũng của Nguyễn Văn Thiệu. Những tin đồn này, nhiều tin do các đối thủ chính trị của Tổng thống Thiệu tung ra (trong đó có cả những người thân tín của Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ), được giới truyền thông Việt Mỹ đón bắt và phát tán sâu rộng. Ngoài việc được tường thuật trên báo chí và hệ thống truyền hình Mỹ, những lời cáo buộc này cũng còn được ghi lại khá ly kỳ trong một cuốn sách có tựa đề là "The Politics of Heroin in Southeast Asia...."[20]

Cũng theo tác giả ở trên, tướng Quang sống trong nghèo túng tại Canada và Hoa Kỳ, làm những công việc tay chân như quét dọn, rửa chén và sắp xếp hành lý ở phi trường, ngược hẳn lại những gì đã được đồn thổi rằng ông có trương mục ngân hàng ở Thụy Sĩ để cất giấu tiền tham nhũng và buôn lậu. Điều này chứng tỏ rằng những lời cáo buộc trước kia là hoàn toàn sai sự thật. Ngoài ra, các báo cáo của CIA được giải mật sau này cũng đã giúp chính phủ Hoa Kỳ loại ông ra khỏi danh sách những nhân vật bị tình nghi có liên quan đến bạch phiến. Sau cùng Chính phủ Hoa Kỳ cấp visa cho ông trở về Hoa Kỳ.

Ngày 15 tháng 7 năm 2011, ông từ trần tại Thành phố Sacramento, Thủ phủ Tiểu bang California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 82 tuổi.